THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN (tổng hợp)
Quyền đơn phương ly hôn
- Về nguyên tắc vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.
- Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì chỉ cần một bên cảm thấy không hạnh phúc đã có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn. Kể các trường hợp người nộp đơn ly hôn là người có hành vi sai trái, vi phạm về quan hệ hôn nhân vẫn có quyền nộp đơn xin ly hôn theo quy định của pháp luật.
- Tuy nhiên trường hợp vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.
Hồ sơ đơn phương ly hôn
- Đơn khởi kiện (ly hôn đơn phương áp dụng là một vụ kiện dân sự giữa vợ và chồng để giải quyết quan hệ hôn nhân);
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Sổ hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực);
Nơi nộp hồ sơ đơn phương ly hôn
- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (tức người không ký đơn) thụ lý giải quyết. Ví dụ : nếu vợ là người nộp đơn ly hôn đơn phương thì tòa án thụ lý ly hôn là Tòa án cấp quận huyện nơi chồng đăng ký hộ khẩu thường trú.
- Tòa án nhân dân cấp tình: nếu quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Quy trình giải quyết vụ án ly hôn đơn phương
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền
Bên có yêu cầu ly hôn nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin đơn phương ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn (chồng hoặc vợ) đang cư trú, làm việc;
Bước 2: Thụ lý đơn ly hôn
Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án
- Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án sau khi nhận thông báo nộp tiền tạm ứng án phí của Tòa án;
- Mức tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 4: Tòa án tiến hành hòa giải
- Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử.
- Nếu hòa giải thành thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị.
- Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 208, 21, 212, 213, 220 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 5: Mở phiên tòa sơ thẩm
- Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm.
- Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 6: Thi hành án hoặc kháng cáo bản án lên cấp phúc thẩm
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tòa án có thẩm quyền ra bản án sơ thẩm nếu các đương sự không thực hiện thủ tục kháng cáo thì bản án có hiệu lực và được thi hành.
Thời gian giải quyết vụ án đơn phương ly hôn
- Thời hạn xét xử trung bình của một vụ án ly hôn là từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Thời hạn mở phiên tòa thông thường từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Điều kiện để được quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn đơn phương
- Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có ghi nhận việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì vợ chồng bạn sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con.
- Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con.
Một số căn cứ có thể được xem xét đến quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn như:
- Điều kiện sống từ lúc cháu sinh ra đến khi ly hôn;
- Đạo đức, lối sống có ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu con sau này;
- Điều kiện về kinh tế: thu nhập ổn định để có thể bảo đảm cuộc sống cho con;
- Điều điều kiện về chỗ ở và các điều kiện khác.
- Tham khảo ý kiến của con (nếu con đủ 7 tuổi trở lên).