Cơ sở pháp lý:
- Nghị định 23/2015/NĐ – CP của Chính Phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch
- Thông tư 01/2020/TT-BTP quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP
Điều kiện thành lập Công ty về dịch thuật:
Khi đăng ký kinh doanh, người đăng ký thành lập chỉ cần chuẩn bị các giấy tờ pháp lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp như thành lập công ty bình thường khác; không yêu cầu phải cung cấp bằng cấp ngoại ngữ hay chứng chỉ hành nghề nào khác khi đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, sau khi thành lập, để hoạt động công ty về dịch thuật cần lưu ý các điều kiện sau:
Tiêu chuẩn và điều kiện của người dịch (Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP):
Điều 27. Tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.
Điều 27 được hướng dẫn chi tiết tại Điều 9 Thông tư 01/2020/TT-BTP như sau:
Điều 16. Tiêu chuẩn người dịch và ngôn ngữ phổ biến
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, người dịch phải có trình độ cử nhân (đại học) ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Trường hợp có bằng đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch thì người dịch cần xuất trình thêm bảng điểm hoặc giấy tờ để chứng minh ngôn ngữ học của mình.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A có trình độ thạc sỹ Luật quốc tế tại Trung Quốc, chương trình học bằng tiếng Trung Quốc, nên ông A có đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn B là cử nhân kinh tế tại Nhật Bản nhưng chương trình học bằng tiếng Anh, nên ông B đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Anh.
- Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Tây Ban Nha.
Ngôn ngữ không phổ biến là ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Mông Cổ, tiếng Ấn Độ…
Điều kiện về công tác viên dịch thuật
Điều 17. Chứng thực chữ ký người dịch không phải là cộng tác viên của Phòng Tư pháp
- Người dịch ngôn ngữ không phổ biến và cũng không có bằng cử nhân ngoại ngữ, tốt nghiệp đại học theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì khi yêu cầu chứng thực chữ ký, phải nộp bản cam kết về việc thông thạo loại ngôn ngữ đó và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.
- Phòng Tư pháp chỉ chứng thực chữ ký người dịch không phải là cộng tác viên của Phòng Tư pháp khi người đó tự dịch giấy tờ, văn bản của mình.
Trường hợp dịch giấy tờ, văn bản cho người khác, kể cả người thân thích trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc dịch có thù lao theo thỏa thuận với cá nhân, tổ chức thì phải do người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp thực hiện.
Bởi vậy, các cá nhân/ tổ chức muốn đăng ký thành lập công ty dịch thuật, cần lưu ý điều kiện, tiêu chuẩn của người dịch theo quy định trên.